Đăng lúc: 09-01-2015 10:56:49 AM - Đã xem: 3063
(TBKTSG Online) - Hôm qua 3-1-2015, lại có thêm một vụ cháy thiêu rụi 3 nhà xưởng của một công ty tại Khu công nghiệp Tân Đức (huyện Đức Hòa, Long An), và rạng sáng nay 4-1 lại xảy ra một vụ cháy nhà dân ở Hải Phòng khiến một người tử vong. Tình trạng cháy, nổ vẫn liên tiếp xảy ra trong năm 2014 và đầu năm 2015. Vì sao năm 2014 lại xảy ra nhiều vụ cháy như vậy, giải pháp nào để giảm tình trạng cháy, nổ?
(TBKTSG Online) - Hôm qua 3-1-2015, lại có thêm một vụ cháy thiêu rụi 3 nhà xưởng của một công ty tại Khu công nghiệp Tân Đức (huyện Đức Hòa, Long An), và rạng sáng nay 4-1 lại xảy ra một vụ cháy nhà dân ở Hải Phòng khiến một người tử vong. Tình trạng cháy, nổ vẫn liên tiếp xảy ra trong năm 2014 và đầu năm 2015. Vì sao năm 2014 lại xảy ra nhiều vụ cháy như vậy, giải pháp nào để giảm tình trạng cháy, nổ?
2014: Năm hỏa hoạn
Năm 2014 được coi là năm hỏa hoạn, khi xảy ra nhiều vụ cháy lớn trên cả nước. Đến thời điểm này dù chưa có số liệu của cả năm 2014 nhưng theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, tính đến hết tháng 9-2014, cả nước đã xảy ra hơn 1.550 vụ cháy (trung bình 1 tháng xảy ra 172 vụ cháy). Hãy điểm qua một số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng trong năm 2014.
Vào ngày 19-3-2014, chợ Phố Hiến thuộc phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên bị cháy. Dù không thiệt hại về người nhưng hàng trăm gian hàng ở hai tầng đã bị thiêu rụi; ước tính thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Đầu tháng 5-2014, đám cháy lớn xảy ra tại quán karaoke 4 tầng trên phố Giảng Võ, Hà Nội. Vụ cháy khiến 5 người tử vong do ngạt khói. Bốn tháng sau vào ngày 16-9-2014, hỏa hoạn đã thiêu rụi ngôi nhà trên đường Nguyễn Trãi (phường 8, quận 5, TPHCM), khiến 7 người tử vong.
Ngày 19-9-2014, một vụ cháy xảy ra tại Công ty Sakata Inx, Khu công nghiệp VSIP 1, thị xã Thuận An, Bình Dương đã thiêu rụi nhà xưởng rộng 7.000 mét vuông. Ước tính thiệt hại khoảng 15 tỉ đồng, gần 400 công nhân mất việc.
Khi thời gian trôi về những tháng cuối năm 2014, tình hình cháy nổ càng diễn ra nhiều hơn và mức độ cũng nghiêm trọng hơn. Tại TPHCM, ngày 17-10-2014, xảy ra vụ nổ ở Công ty Đặng Huỳnh quận 12, làm 8 căn nhà trên đường Lê Thị Riêng, quận 12 đổ sập, gần 100 ngôi nhà khác bị ảnh hưởng. Vụ nổ cũng khiến 3 người tử vong.
Một ngày sau đó ngày 18-10, hỏa hoạn xảy ra tại Công ty Việt Hà, Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Đám cháy trong vòng gần 10 giờ đã thiêu rụi khoảng 13.000 mét vuông diện tích kho và nhà xưởng. Ước tính thiệt hại lên tới 130 tỉ đồng
Nghiêm trọng hơn vào ngày 29-12-2014, một vụ cháy xảy ra tại căn nhà số 14/136 Nguyễn Đức Cảnh, phường Cát Dài, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, khiến cả 6 người trong gia đình tử vong, toàn bộ tài sản, vật dụng trong nhà bị cháy rụi.
Đến ngày 30-12-2014, lại xảy ra vụ cháy lớn ở đường Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, TPHCM khiến một người tử vong, 8 ngôi nhà bị thiêu rụi, nhiều ngôi nhà xung quanh bị ảnh hưởng, hàng chục xe máy cũng bị thiêu rụi.
Tất cả là do con người
Nhận định về việc phòng cháy chữa cháy, một số chuyên gia xây dựng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến việc chữa cháy không đạt hiệu quả khi các vụ cháy xảy ra là do khâu thiết kế, xây dựng ban đầu của các công trình có vấn đề.
Ông Trần Thọ Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thang máy Thiên Nam (TPHCM) cho biết, theo quy định trong thiết kế dự án phải có dự toán kinh phí cho các hạng mục phòng cháy và chữa cháy. Trong đó, phải có thang máy dành riêng cho chữa cháy, được thiết kế đặc biệt, chịu nhiệt tốt, có vách bảo vệ dùng để di chuyển khi cháy, nổ xảy ra.
Tuy nhiên, việc lắp đặt thang máy cho chữa cháy chi phí cao hơn so với thang máy thông thường mà lại tốn diện tích và chỉ sử dụng khi có sự cố xảy ra nên rất ít các chủ đầu tư, đặc biệt là đối với công trình nhỏ, quan tâm đến hạng mục này.
Còn theo ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp cơ điện Việt Thành An, khi mang hồ sơ đi phê duyệt, các bản thiết kế xây dựng của chủ đầu tư thường có đầy đủ các hạng mục theo quy định để vượt qua vòng phê duyệt của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, khi thi công thì nhiều chủ đầu tư lại không thực hiện theo bản được phê duyệt, tình trạng này phần lớn rơi vào các công trình nhỏ. Từ đó dẫn đến các hạng mục công trình không đáp ứng đủ tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy nên khi cháy, nổ xảy ra thì rơi vào thế bị động, thiếu hạ tầng cần thiết để chữa cháy.
Thậm chí, theo ông Nam, một số chung cư khi đưa vào sử dụng thì các ban quản lý chung cư hoặc các chủ đầu tư cũng xem nhẹ các tiêu chuẩn phòng chống cháy nổ như để bình chữa cháy hết hạn sử dụng, đèn báo cháy hết pin, không diễn tập thoát hiểm khỏi đám cháy cho cư dân nên khi xảy ra sự cố cháy thường để lại hậu quả lớn.
Theo các chuyên gia xây dựng, việc phòng cháy, chữa cháy nên thực hiện ngay từ khi thiết kế và xây dựng như dùng sơn chống cháy. Tuy nhiên, các loại sơn chống cháy có giá thành khá cao so với các loại sơn thông thường với mức giá từ 300.000-500.000 đồng/ki lô gam (một ki lô gam sơn chống cháy chỉ có thể dùng cho một mét vuông vật liệu).
Theo lời một số chủ đầu tư, để tiết kiệm chi phí cho công trình, nhiều khi họ phải cắt giảm một số hạng mục nên rất hiếm khi sử dụng các loại vật liệu đắt tiền như sơn chống cháy.
Qua các vụ cháy tại TPHCM trong năm 2014, theo thống kê của Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TPHCM, khu vực xảy ra cháy nhiều nhất là khu dân cư và các hộ sản xuất kinh doanh nằm xen kẽ trong khu dân cư. Khi điều tra thì thấy rằng nguyên nhân gây cháy nhiều nhất xuất phát từ việc sử dụng điện.
Do đặc điểm kiến trúc nhà tại các đô thị thường có dạng ống hộp nên khi xảy ra cháy khói không có chỗ thoát, khiến người trong nhà bị ngạt, dẫn đến số nạn nhân thương vong nhiều.
Để ngăn chặn các vụ cháy, nổ xảy ra ở khu dân cư, Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TPHCM khuyến cáo các hộ kinh doanh những mặt hàng dễ cháy như quần áo, chăn đệm... phải để cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt. Đồng thời, cần tạo ra những lối thoát nạn để khi có sự cố thì người có thể thoát ra ngoài.
Bên cạnh đó, hệ thống điện cần phải lắp đặt, sử dụng đúng kỹ thuật, không tự ý lắp thêm các thiết bị điện; không để thiết bị điện sinh nhiệt lớn như bếp điện, quạt… gần đồ dùng làm bằng vật liệu dễ cháy.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Online:
3Tổng truy cập:
666397